Home » , » Những lời kêu cứu của 3 lao động Việt từ Malaysia

Những lời kêu cứu của 3 lao động Việt từ Malaysia

Written By Unknown on 14/11/14 | 12:33

Trước lời hứa hẹn có cánh xuất khẩu lao động sang Malaysia, nhưng nhiều lao động Việt Nam đã phải nếm “trái đắng”: Bị cảnh sát bắt, bị dân giang hồ trấn lột, không được trả lương, điều kiện sinh hoạt bẩn thỉu…
Lao động bị bắt, bị đánh đập
NTNN vừa nhận được đơn kêu cứu của bà Đỗ Thị Thuỷ (SN 1959, ở thôn Lam Sơn, xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), mẹ của cháu Đặng Tuấn Linh (SN 1995) trình bày: Gia đình bà được Đỗ Thị Hạnh (ở phố Chương, xã Lam Sơn) môi giới, đưa tài liệu cho nghiên cứu, tham khảo đơn hàng đi Malaysia (ngành xây dựng-ốp lát gạch) của Chi nhánh Công ty cổ phần Giáo dục và Đào tạo quốc tế Sài Gòn (số 1 lô 1 đường Lương Thế Vinh, TP.Hải Dương). Để cho gia đình bà Thủy an tâm, công ty này đã gọi điện mời cháu Tuấn Linh tới công ty để nghe định hướng và hứa sang bên đó đăng ký ở từ 4-6 người ở trong 1 phòng, ăn ở đi lại do chủ lo, nhà ở miễn phí, bao ăn 1 bữa trưa… Nếu quyết định đi thì gia đình phải đóng một khoản tiền là 1.700 USD.


Chi nhánh Công ty cổ phần Giáo dục và Đào tạo quốc tế Sài Gòn tại Hải Dương. Ảnh: Thắng Quang
Với những điều kiện hấp dẫn như vậy, gia đình bà Thủy quyết định cho con đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đi cùng với cháu Tuấn Linh còn có anh Nguyễn Văn Giang (SN 1970) và cháu Vũ Văn Thuấn (SN 1996), cùng trú tại xã Lam Sơn. Ngày 1.8, phía công ty đã thu trước mỗi lao động 1.000USD tiền đặt cọc, số tiền còn lại sẽ được lao động trả dần vào các tháng tiếp theo. Ngày 9.9, cả 3 người là cháu Tuấn Linh, cháu Thuấn và anh Giang lên đường sang Malaysia lao động.
Tuy nhiên mọi việc diễn ra không như hợp đồng và hứa hẹn của công ty. Bà Thủy cho biết: “Sang đến nơi, ngày nào con tôi cũng điện thoại về kêu cứu. Sang được 3 ngày các cháu bị Cảnh sát Malaysia bắt giam và bị họ lột hết quần áo, tư trang tiền bạc cá nhân, cho mặc quần áo tù. Phải 5 ngày mới được thả. Về khu làm việc thì phải ở trong phòng 30 người với nhiều quốc tịch, không khí ngột ngạt và bẩn thỉu. Công việc mà cháu Linh phải làm là chát vữa ngoài tòa nhà cao 13-14 tầng hoặc đi dọn vệ sinh, quét rác chứ không phải ốp lát gạch như đã hứa ban đầu”.
Qua điện thoại, anh Nguyễn Văn Giang (từ Malaysia) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Chúng tôi đang làm việc tại tỉnh Adammadamxada. Tối 1.10, toàn bộ 12 lao động đi cùng với tôi bị nhóm xã hội đen bắt đứng xếp hàng và yêu cầu mỗi người phải nộp cho bọn chúng 50 ringit (tiền Malaysia), nếu ai không nộp thì sẽ bị bọn chúng đánh đập. Chúng tôi bảo không có tiền thì bị chúng đánh đập dã man, nhưng không ai dám kêu than. Sau đó chúng bắt chúng tôi phải hứa nộp tiền đầy đủ cho chúng. Giờ chúng tôi cũng chẳng biết thế nào vì tiền ăn cũng hết. Giờ chúng tôi chỉ mong được về nước. 50 con người chỉ có 2 cái nhà vệ sinh, rệp bọ thì nhiều. Chúng tôi cũng không biết chủ ở Malaysia là ai để phản ánh. Khi chúng tôi nhờ người thân ở nhà kêu cứu trợ giúp, phía công ty đã liên lạc để đưa chúng tôi về. Nhưng tôi và anh Thuấn mất hộ chiếu nên chưa làm được thủ tục để về. Họ hứa khoảng 1 tháng nữa mới xong thủ tục thì được về”.
Phải đảm bảo tính mạng cho người lao động
Quá lo lắng trước tình cảnh của người nhà, gia đình 3 lao động trên đã yêu cầu công ty và Bộ LĐTBXH can thiệp để đưa người thân về nước. Đại diện ở công ty đã hứa hướng dẫn làm thủ tục cho lao động về nước và yêu cầu làm đơn nộp cho chủ ở Malaysia. Ông Vũ Văn Quang, bố của Vũ Văn Thuấn cho biết: “Công ty đã gọi chúng lên, soạn đơn, trong đó có ghi “gia đình tự nguyện làm đơn để về nước”. Chúng tôi không ký lá đơn này bởi công ty đã làm sai với hợp đồng, đẩy con cái chúng tôi vào cảnh như nô lệ”.


 Bà Đỗ Thị Thủy cầu cứu nhiều nơi mới đưa được con trai về nước.
Liên quan tới sự việc này, bà Đào Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục và Đào tạo quốc tế Sài Gòn đã có đã có văn bản trả lời PV, trong đó có nêu rõ: “Công ty sẽ yêu cầu Công ty FLC (đối tác nhận lao động) tiếp tục làm việc với đối tác cũng như các cơ quan chức năng tại Malaysia để có biện pháp bảo đảm tính mạng, sức khoẻ, tạo điều kiện để người lao động an tâm, sinh hoạt, sống và làm việc. Riêng với 3 lao động theo yêu cầu của gia đình và nguyện vọng của người lao động, công ty đề nghị Công ty FLC nhanh chóng đưa họ về nước và thực hiện hỗ trợ theo quy định của pháp luật”.
Trong khi đó, ông Lưu Văn Bản – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương cho hay: “99% chi nhánh của Công ty cổ phần Giáo dục và Đào tạo quốc tế Sài Gòn chưa xin chúng tôi giấy phép XKLĐ. Chúng tôi đã cử cán bộ xuống thanh kiểm tra. Mặt khác Sở sẽ có ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để điều tra theo đúng pháp luật”.
Thông tin PV NTNN vừa có được, sau khi gia đình yêu cầu các đơn vị liên quan và cơ quan chức năng can thiệp, cháu Đặng Tuấn Linh đã được đưa về nước ngày 13.11. Còn anh Giang với cháu Thuấn đang phải chờ làm thủ tục vì mất hộ chiếu.

Share this article :

Đăng nhận xét

 
Liên kết : Nhật Bản | Xuất khẩu lao động Nhật Bản | Du học Nhật Bản
Copyright © 2011. TƯ VẤN XKLĐ NHẬT BẢN - Chuyên gia tư vấn lao động xuất khẩu
Hỗ trợ bởi Công ty cổ phần tập đoàn TMS Công ty cổ phần TMS Du Học
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Đức Hạnh