Sóc Trăng là địa phương có số lượng đồng bào dân tộc Khmer lớn nhất cả nước. Đời sống của đại bộ phận người dân nói chung thường gặp khó khăn, nhưng chỉ trong vòng 10 năm nay do thực hiện hiệu quả chính sách xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà chất lượng sống của nhiều người nghèo đã được cải thiện đáng kể.
Theo Sở LĐTB&XH hội tỉnh Sóc Trăng, tính từ năm 2004 – 2013, tổng số lao động tham gia XKLĐ của tỉnh là 3.283 người, trong đó 1.197 lao động nữ và có hơn 1.500 lao động người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ gần 47%. Lao động chủ yếu xuất khẩu sang Malaysia (khoảng 2.708 người).
Ông Trần Văn Việt – Giám đốc Trung tâm Việc làm tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Thu nhập của lao động làm việc tại Malaysia trung bình hiện nay mức bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, trong đó có nhiều lao động mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng”. Theo thống kê trong 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xuất khẩu lao động, người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã gửi về gia đình khoảng 220 tỷ đồng, qua đó góp phần nâng cao đời sống của các gia đình có con em tham gia XKLĐ.
Đánh giá về lực lượng lao động, ông Lâm Thanh Phong – Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Sóc Trăng có lực lượng người dân tộc Khme khá lớn. Lao động có sức khỏe tốt, lại chịu khó nên rất phù hợp với thị trường Malaysia. Chúng tôi xem đây là thế mạnh về XKLĐ của tỉnh nhà”. Hiện một số huyện có nhiều xã, thị trấn có phong trào XKLĐ mạnh như: huyện Thạnh Trị, huyện Long Phú, huyện Kế Sách; thị xã Vĩnh Châu; huyện Mỹ Xuyên …, trong số đó có nhiều xã có trên 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đại diện MTTQ tỉnh Sóc Trăng, để người dân khỏi nghi ngờ về lợi ích của việc XKLĐ, tỉnh nhà đã tạo điều kiện cho mỗi xã có một vài người XKLĐ thành công bằng cách cho vay vốn không tính lãi suất, đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho các đối tượng có nguyện vọng đi XKLĐ. Đây là biện pháp được đánh giá có hiệu quả trong việc tuyên truyền đến từng hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, cho cán bộ đi tận nơi làm công tác tư vấn, tuyên truyền giúp người có nhu cầu XKLĐ quyết định sự chọn lựa tương lai của mình.
Anh Phan Thành Lam, xã lai Hòa, huyện Vĩnh Châu là một trong những người khá lên từ khi đi XKLĐ. Anh Lam cho biết: "Tôi quyết tâm chọn Hàn Quốc là nơi lao động để kiếm số vốn về quê buôn bán. Đến nay, tôi rất hài lòng với quyết định của mình - vì qua đó tôi làm thuê cho công ty mỹ phẩm với mức lương cao. Điều quan trọng là tôi hiểu về mỹ phẩm nhiều hơn, hiểu cách bán hàng của họ. Tôi biết giá của mỹ phẩm Hàn Quốc phù hợp với đa số người Việt nên khi về nước tôi làm đại lý cho họ. Giờ thì các con tôi được đi học. Vợ tôi không đi làm thuê nữa…”
Khi nghe nói đến lợi ích của XKLĐ, ông Lâm Thanh Phong khẳng định: "Đây là một chiến lược hợp lý, góp phần tăng nguồn ngoại tệ, phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng quan trọng hơn là nhiều người lao động sau khi về nước đã làm nòng cốt, ứng dụng những kỹ năng, kinh nghiệm đã học tập được tại nước ngoài để phát triển kinh tế, sản xuất tại địa phương mình”.
Đăng nhận xét