Pác Nặm và Ba Bể trước đây là một huyện, năm 2003 tách ra, trong đó Pác Nặm có tới 10 xã khó khăn nhất. 5 năm sau khi chia tách, vào năm 2008, theo thống kê, Pác Nặm có 50% số hộ nghèo, được liệt kê là huyện nghèo nhất của tỉnh Bắc Kạn. Tới nay tuy huyện này còn 35,3% hộ nghèo thì cũng có nghĩa là còn tồn tại 2.248 hộ rất khó khăn.
Cái bà con cần nhất để vươn lên thoát nghèo là vốn. Theo lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Pác Nặm thì việc đưa vốn tới tay người dân nghèo là rất quan trọng. Ông Dương Văn Chúng (bản Khuổi Ỏ, xã Nhạn Môn) đã được vay 30 triệu đồng để mua và nuôi trâu sinh sản. Từ một trâu giống ban đầu, nay đã thành 3 con trị giá gần 70 triệu đồng. Cũng từ đó mà nhà ông Chúng thoát nghèo.
Tương tự, hộ chị Hoàng Thị Nhâm (bản Phai Khỉn, xã Nhạn Môn) cũng đã được hỗ trợ vay vốn để thực hiện chương trình xuất khẩu lao động. Từ gần 27 triệu đồng được vay, chị Nhâm đã đầu tư cho chồng đi xuất khẩu lao động tại A Rập. Một thời gian ngắn, với đồng tiền chắt chiu do chồng gửi về mà chị đã trả hết nợ và còn dư 52 triệu đồng.
Không chỉ đầu tư để mở rộng sản xuất, lao động xuất khẩu mà nguồn vốn để xóa đói giảm nghèo của huyện Pác Nặm còn mở rộng với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn việc vay vốn. Hộ ông Sằm Văn Dỵ là hộ người Mông nghèo ở Khuổi Ỏ. Bằng việc triển khai vốn và sự hỗ trợ này, ông đã mạnh dạn vay 99,7 triệu đồng, chi phí cho 3 con học đại học và trung học chuyên nghiệp. Hiện nay trong 3 con được đầu tư từ nguồn vốn này, gia đình ông đã có một con ra trường đi làm tại Cty Samsung Thái Nguyên và đang có thu nhập để giúp đỡ gia đình.
Các chương trình cho hộ nghèo, cận nghèo vay trên địa bàn huyện Pác Nặm đến nay đang từng bước sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. Tổng dư nợ tính đến nay đã thực hiện được trên 142,98 tỷ đồng. Mặt khác, thông qua 4 tổ chức hội, tổng dư nợ ủy thác đã đạt 142,88 tỷ đồng… Thống kê của UBND tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Bắc Kạn đã giảm mạnh, còn khoảng 18%.
|
Đăng nhận xét