Home » , » Xu hướng chuyển dịch thị trường xuất khẩu lao động

Xu hướng chuyển dịch thị trường xuất khẩu lao động

Written By Unknown on 12/6/14 | 13:01

 Nếu như trước đây, những thị trường lao động trả lương cao như Trung Đông hay các thị trường thu hút nhiều lao động như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc)… có sức hấp dẫn lớn với các lao động nước ta thì hiện nay, xuất hiện xu hướng chuyển dịch thị trường xuất khẩu lao động khá rõ nét.

Lào, Campuchia hút lao động

Các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống đã không còn thế mạnh như trước đây

Do khu vực Trung Đông đang trải qua những bất ổn về chính trị khiến thị trường lao động thiếu ổn định, trong khi các thị trường lao động lớn như Malaysia và Đài Loan gần như đã bão hòa nên thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước đang hướng đến khu vực Đông Nam Á. Đơn cử như thị trường Lào và Campuchia, trước kia thường chỉ được coi là “điểm phụ” để giải quyết vấn đề số lượng cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động vì chi phí rẻ thì hiện nay, 2 thị trường này lại đang có sức hút rất lớn. Năm 2011, trong số 87.000 lao động Việt Nam xuất khẩu đi các nước, có tới 3.500 lao động sang Lào và trên 3.300 lao động sang Campuchia. Dự kiến trong năm 2012 này, số lao động Việt Nam xuất khẩu sang 2 nước láng giềng nói trên sẽ còn tăng cao hơn nữa bởi hiện đang có rất nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại đây. 

Cụ thể, hiện nay Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia có trên 200 thành viên, tập trung vào các dự án nông nghiệp, trồng cây công nghiệp và dệt may, hàng tiêu dùng, viễn thông, ngân hàng, tài chính. Tại các tỉnh Battambang, KompongChnang và Takeo, có nhiều tập đoàn của Việt Nam như Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí… có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao khá lớn với mức lương hấp dẫn, khởi điểm 250 USD/tháng. Tại thị trường Lào, các dự án xây dựng khu công nghiệp, khai khoáng, nông lâm nghiệp và tiêu dùng đang thu hút mạnh lao động Việt Nam.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, khả năng thu hút lao động ở các thị trường nhỏ, trong đó có Lào và Campuchia chiếm 10 - 15% số lượng lao động xuất khẩu hàng năm (khoảng 8.000 - 10.000 người/năm). Đặc biệt, thị trường Campuchia, Lào hiện có nhu cầu khá lớn trong lĩnh vực lao động kỹ thuật và quản lý các ngành xây dựng, kỹ sư công trình hay nhân viên ngành tài chính ngân hàng. Ở nhóm công việc này có thể đạt  mức thu nhập trung bình từ 15-23 triệu đồng/người/tháng. 

Phát triển thị trường mới

Bên cạnh thị trường lao động tại các nước khu vực Đông Nam Á, trong năm 2012, ngành xuất khẩu lao động cũng đang tiếp tục mở thêm một số thị trường mới ở châu Âu như Slovakia, CH Czech, Ba Lan... Đây đều là những thị trường cần lao động có chuyên môn, tay nghề. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng đã tìm hiểu và ký kết hợp đồng để đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hoa Kỳ và Canada. Tuy nhiên, do một số khó khăn như yêu cầu chất lượng lao động (ngoại ngữ, tay nghề...) và khâu thủ tục xin visa, nên mới có một số ít doanh nghiệp đưa được lao động sang các thị trường này.

Ngoài ra, theo Cục này, một số thị trường khác cũng đang có nhu cầu lớn về đội ngũ chuyên gia như: Angola cần 80 chuyên gia giáo dục làm việc tại các cơ sở đào tạo, 200 chuyên gia y tế làm việc tại Algeria, Mozambique và Angola, 65 chuyên gia nông nghiệp làm việc tại một số quốc gia châu Phi trong khuôn khổ hợp tác 3 bên giữa Việt Nam - FAO và các nước này… Đây được xem là hướng tiếp cận mới, làm đa dạng thị trường xuất khẩu lao động, thay vì chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như trước. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay chỉ là chất lượng lao động xuất khẩu của nước ta vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cao của nhiều thị trường khó tính. 


Share this article :

Đăng nhận xét

 
Liên kết : Nhật Bản | Xuất khẩu lao động Nhật Bản | Du học Nhật Bản
Copyright © 2011. TƯ VẤN XKLĐ NHẬT BẢN - Chuyên gia tư vấn lao động xuất khẩu
Hỗ trợ bởi Công ty cổ phần tập đoàn TMS Công ty cổ phần TMS Du Học
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Đức Hạnh