Loạn phí xuất khẩu lao động đi Đài Loan

Written By Unknown on 1/7/14 | 14:47

Phớt lờ yêu cầu của Bộ LĐTBXH về mức phí đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc tại Đài Loan không quá 4.000USD/người, nhiều doanh nghiệp (DN) thu phí của NLĐ cao hơn rất nhiều so với quy định.
    Từ đơn khiếu nại của bạn đọc, chúng tôi đã tìm đến một số công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn TPHCM và biết được không chỉ ngang nhiên thu phí của NLĐ cao ngất ngưởng mà tại nhiều DN, trong nhiều khoản thu, còn không xuất biên lai, chứng từ cho NLĐ.
    Trang web rao tuyển XKLĐ đi Đài Loan với với phí 6.000USD.
    Cầm nhà, vay mượn đóng phí cao

    Chị P.T.L (ngụ Cần Thơ) và chị L.K.T (ngụ Tây Ninh) trình bày với PV Báo Lao Động & Đời Sống, thông qua người giới thiệu, hai chị tìm đến Cty XKLĐ I.P (TPHCM) để được đi lao động ở Đài Loan. Cả hai chị đã đóng đủ 4.600USD cho Cty XKLĐ T.C.D (quận Tân Bình) để chờ một hai ngày nữa là bay nhưng khi nhận biên lai thu tiền thì chỉ thấy Cty đưa ba phiếu thu tổng cộng hơn 78 triệu đồng, không có chữ ký giám đốc, kế toán trưởng, thủ quỹ mà chỉ có chữ ký của người đóng tiền. Khi chị thắc mắc hỏi thì được Cty trả lời rằng 3.600USD là chi phí đi, còn 1.000USD là tiền đặt cọc, khi nào hết hạn hợp đồng về Việt Nam thì quay lại Cty lấy số tiền đặt cọc.
    Khi được hỏi: “Nếu Cty chối không trả 1.000USD trên vì không có biên lai, chứng từ thì hai chị tính sao?”, chị T thật thà: “Tụi em không lường trước được, Cty đưa sao thì mình lấy vậy thôi, em nghe mọi người nói cứ giữ mấy phiếu thu này, khi hết hợp đồng về Việt Nam là lấy được tiền đặt cọc”. Theo T, số tiền 4.600USD mà chị phải nộp là chi phí đi, chưa kể tiền học tiếng gần 5 triệu đồng, chi phí ở trọ, ăn uống mình tự túc. Ai được bay nhanh thì đỡ tốn chi phí, có người chờ nhiều tháng ròng rã thì chi phí này đội lên gấp nhiều lần, có người phải đóng từ 5.000 - 6.000USD.
    Theo những địa chỉ mà hai chị cung cấp, vào vai NLĐ có mong muốn đi XKLĐ tại Đài Loan, chúng tôi tìm đến một vài Cty, mức phí mà các Cty này đưa ra đều cao hơn từ 1.000 đến 2.500USD so với yêu cầu của Bộ LĐTBXH. Đơn cử, khi chúng tôi tìm đến Cty cổ phần du lịch và XNK V.P V.O trên đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình, để được tư vấn. Cửa Cty đóng im ỉm, chúng tôi đứng một lúc thì có người ra mở cửa. Sau khi biết chúng tôi được người quen giới thiệu đến, bà K -Trưởng phòng Cty mới tiếp chuyện và bớt phần dè dặt. Theo bà K, lương ở Đài Loan trung bình là 14 triệu đồng/tháng, nếu chịu khó tăng ca thì lương mỗi tháng tầm 20 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ăn, ở, dịch vụ thì còn khoảng 17 triệu đồng/tháng.
    Về chi phí đi, bà K cho hay tùy theo đơn hàng, nếu đã có nghề may thì tổng chi phí đi là 5.500USD, đơn hàng đi điện tử là 6.000USD, hợp đồng 3 năm. Theo hướng dẫn của bà K, tôi phải về tỉnh xin giấy xác nhận không có tiền án, tiền sự và hộ chiếu. Khi có hai giấy tờ đó thì quay trở lại, Cty sẽ đưa đi khám sức khỏe và nộp 2 triệu đồng để học tiếng. NLĐ sẽ ở lại ngay trụ sở Cty cho đến khi nào “bay thì thôi”. Về lộ trình nộp tiền, bà K cho biết, sau khi làm hồ sơ xong, trước khi đi làm visa đóng thêm 1.000USD, đến ngày đi đóng hết”. Thấy chúng tôi lo phải chờ đợi nhiều tháng mới đi được bà K trấn an. “Em cao 1,60m là chuẩn rồi, chủ Đài Loan rất quan trọng chiều cao, chiều cao chuẩn vậy có thể đi ngay, em lại có lợi thế đã biết nghề may nên sẽ đi nhanh thôi. Em cứ chuẩn bị khoảng 5.500USD, nếu không đủ thì nhà có sổ cắm ngân hàng, còn không vay ngân hàng chính sách được 30 triệu đồng”. Sau đó, bà K yêu cầu tôi đọc tên tuổi, chiều cao, cân nặng, tên cha mẹ, anh em… và cho một địa chỉ thợ ảnh ở đường Phạm Văn Bạch đề nghị ra tiệm ảnh chụp gấp để bà gửi ảnh gửi sang cho chủ Đài Loan chọn.

    Mức phí mà Cty này đưa ra cho PV (đã có nghề may) là 5.500USD để đi Đài Loan.  
    Thu cao vì bị… ép!
    Đài Loan là thị trường lao động quan trọng của Việt Nam với tổng số lao động đưa đi trong năm 2013 hơn 46.000 người, chiếm hơn 50% tổng số lao động ra nước ngoài làm việc. Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2014 là 45.458 lao động (16.568 lao động nữ), trong đó, thị trường Đài Loan là 28.265 lao động.
    Theo một số chuyên gia về lĩnh vực XKLĐ, lý do cơ bản khiến phí môi giới (trả cho đối tác môi giới Đài Loan) bị đẩy lên cao là do các Cty XKLĐ Việt Nam giành giật hợp đồng cung ứng. Cách đây vài năm, mức phí môi giới chỉ 500 - 800USD/lao động nhưng đến nay với mức phí 1.500USD/lao động đã rất khó để có được hợp đồng cung ứng từ phía đối tác Đài Loan… Do đó, các DN XKLĐ ở Việt Nam phải chi mạnh để cạnh tranh với nhau và để dành được hợp đồng và khoản phí này đè lên lưng NLĐ. Nhiều NLĐ không nắm rõ quy định, lại muốn đi càng nhanh càng tốt nên sẵn sàng bỏ tiền cao hơn quy định của Nhà nước. Đến khi xảy ra sự cố thì phần thiệt luôn thuộc về NLĐ. Do đó, vẫn còn tình trạng DN báo cáo thông tin thu chi phí một đằng nhưng làm một nẻo.
    Nhận xét về thị trường lao động Đài Loan, Bà C - Giám đốc Cty chuyên về hoạt động XKLĐ tại TPHCM cho hay, trước đây Cty của bà cũng hoạt động về lĩnh vực này nhưng sau bị ép giá nên phải bỏ. Theo bà C, phía các Cty môi giới và DN nhận lao động tại Đài Loan trực tiếp làm giá, kê các khoản chi phí khiến các Cty trong nước cũng phải đẩy mức phí lên cao. “Biện pháp tốt nhất là Cục phải khống chế được chi phí môi giới ở nước bạn vì các Cty ở Việt Nam phụ thuộc vào bên kia rất nhiều. Nếu phí môi giới cao quá, từ chối thì các Cty trong nước không có đơn hàng để làm chứ họ cũng không muốn thu cao như vậy”, bà C thanh minh.
    Mức xử phạt có đủ răn đe?
    Trao đổi với phóng viên về những thực trạng trên, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Nếu có thông tin vi phạm của DN, NLĐ hãy phản ánh về Cục quản lý lao động ngoài nước để cơ quan này xử lý. Trường hợp phát hiện DN thu phí cao hơn quy định, thu tiền thông qua trung gian môi giới, thu tiền nhưng không cung cấp hóa đơn, chứng từ, DN sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định 95/2013/NĐ-CP. Cụ thể: Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định; phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu không hoàn trả các khoản chi phí mà NLĐ đã nộp cho DN dịch vụ do không đưa được NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời xem xét dừng việc đưa NLĐ đi làm việc tại Đài Loan trong thời hạn từ 3 đến 12 tháng theo quy định”, vị này cho biết.
    Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã tiến hành xử phạt nhiều Cty XKLĐ có sai phạm trong việc đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan. Các Cty này bị tạm dừng cung ứng lao động, tạm dừng thực hiện hợp đồng với đối tác Đài Loan hoặc phải chấn chỉnh hoạt động do đã thu phí cao hơn quy định, giữ lương, khấu trừ tiền ăn của người lao động cao hơn quy định. Yêu cầu về mức phí tối đa của Bộ LĐTBXH là vậy, mức xử phạt đã có và đã có nhiều Cty bị xử phạt nhưng thực tế nhiều Cty vẫn vô tư sai phạm, thu phí cao với nhiều chiêu để lách. Vậy vấn đề đặt ra là mức xử phạt vậy có đủ răn đe các Cty? 

    “NLĐ phải thực sự tỉnh táo, khi Cty đã thu tiền gì cũng phải có hóa đơn, chứng từ. Không có hóa đơn chứng từ đầy đủ là sai. Chưa kể, khi xảy ra sự cố thiệt thòi chỉ thuộc về NLĐ”, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cảnh báo.
    Share this article :

    Đăng nhận xét

     
    Liên kết : Nhật Bản | Xuất khẩu lao động Nhật Bản | Du học Nhật Bản
    Copyright © 2011. TƯ VẤN XKLĐ NHẬT BẢN - Chuyên gia tư vấn lao động xuất khẩu
    Hỗ trợ bởi Công ty cổ phần tập đoàn TMS Công ty cổ phần TMS Du Học
    Chuyên gia tư vấn Nguyễn Đức Hạnh