Home » , » Tín hiệu lạc quan từ những thị trường lao động

Tín hiệu lạc quan từ những thị trường lao động

Written By Unknown on 2/7/14 | 16:20

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH), trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã có khoảng 50.000 người được đưa đi làm việc ở nước ngoài, đạt 57% kế hoạch năm và tăng  125,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Được biết, trong năm 2013, Đài Loan là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc nhất, chiếm tới gần 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bước sang năm 2014, lao động đi làm việc ở Đài Loan có nhiều thuận lợi hơn, khi các chính sách mới của Việt Nam và Đài Loan đều tạo cơ hội thuận lợi cho việc tăng chất lượng, số lượng lao động sang Đài Loan làm việc.

Đối với thị trường Hàn Quốc, sau một thời gian đóng cửa, hiện nay tiếp tục tiếp nhận những người lao động đã vượt qua các kỳ thi tuyển từ năm 2011-2012. Mặc dù bản ghi nhớ đặc biệt với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc chỉ có thời hạn một năm, nhưng việc ký kết này đã đem lại niềm vui cho gần 16 nghìn lao động.


Lao động Việt Nam làm thủ tục trước khi sang Hàn Quốc làm việc.
Không chỉ dừng lại ở các thị trường truyền thống, năm 2014, cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở. Những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc đang thuận lợi. Mặc dù số lượng lao động trong lĩnh vực này chưa nhiều, nhưng đã tạo đà để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nghề có trình độ cao, thu nhập khá tại các nước phát triển.
 Cụ thể là, bước vào năm 2014, Việt Nam đã có 180 chỉ tiêu đi làm điều dưỡng tại Đức. Số lượng này còn khiêm tốn, song đã hé mở những cơ hội mới cho lao động Việt Nam. Được biết, do nhu cầu điều dưỡng viên chăm sóc người già của Đức là rất lớn và thị trường lao động của nước này không thể đáp ứng được. Chính vì vậy, phía Đức đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên ngoài châu Âu để thiết lập quan hệ hợp tác trong lĩnh vực di cư lực lượng lao động chuyên môn trong ngành y tế. 
Cùng với Đức, Nhật Bản là nước đang có nhu cầu rất lớn trong việc tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý. Hiện nay, mức lương điều dưỡng tại Nhật Bản khoảng 130.000 đến 140.000 yên/tháng (tương đương 34 đến 37 triệu đồng/tháng), còn đối với hộ lý là 140.000 đến 150.000 yên/tháng (tương đương 37 đến 40 triệu đồng/tháng).

Có được những kết quả trên, thời gian qua Bộ LĐ-TB và XH đã thực hiện các giải pháp nhằm duy trì ổn định và phát triển các thị trường truyền thống đã và đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như: Đài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Trung Đông, Nhật Bản. Cùng với đó, Bộ LĐ-TB và XH đã tập trung tăng chất lượng và mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động, nhờ đó một số thị trường đã có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, khẳng định: Để giữ vững được các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống và phát triển bền vững đến các thị trường mới thì ngoài việc xây dựng hoàn chỉnh chính sách, việc triển khai công tác xuất khẩu lao động phải được thực hiện nghiêm túc từ khâu tuyển chọn, đào tạo, thi cử. Ngoài ra, chất lượng của đội ngũ lao động không chỉ được thể hiện ở tay nghề, trình độ mà còn ở việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định lao động của nước sở tại. Với các thị trường có thu nhập tốt nhưng yêu cầu khắt khe như Hàn Quốc, Nhật Bản... thì việc bảo đảm chất lượng càng phải quan tâm đặc biệt.

Ông Quỳnh cũng cho biết thêm: Hoạt động xuất khẩu lao động từ nay đến cuối năm sẽ rất sôi động. Cục Quản lý lao động ngoài nước đang nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hợp đồng tại các thị trường mới ở khu vực Tây Á - châu Phi; trao đổi và thống nhất các điều kiện hợp đồng để doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp tác lao động với Tập đoàn Amala (UAE); hợp tác tuyển chọn điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại CHLB Đức…

Các chuyên gia nhận định, năm 2014 tình hình kinh tế vẫn rất khó khăn, một số doanh nghiệp trong nước có thể sẽ phải ngưng hoạt động hoặc phá sản. Xuất khẩu lao động sẽ giải quyết được một số lượng lớn lao động thất nghiệp trong tình hình khan hiếm việc làm. Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải tăng cường công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo trước khi xuất khẩu.


Share this article :

Đăng nhận xét

 
Liên kết : Nhật Bản | Xuất khẩu lao động Nhật Bản | Du học Nhật Bản
Copyright © 2011. TƯ VẤN XKLĐ NHẬT BẢN - Chuyên gia tư vấn lao động xuất khẩu
Hỗ trợ bởi Công ty cổ phần tập đoàn TMS Công ty cổ phần TMS Du Học
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Đức Hạnh