Kể từ sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2009, lần đầu tiên Nhật bản có thể phải đối mặt với một năm tài chính không có tăng trưởng.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda - Ảnh: Bloomberg |
Mặc dù đồng yen đã trượt giá 26% so với USD trong hai năm qua, xuất khẩu và sản xuất vẫn không được cải thiện đáng kể. Vì vậy cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và các quan chức lãnh đạo đã bật đèn xanh cho phép đồng yen tiếp tục giảm mạnh hơn.
Yếu tố tích cực cho kinh tế Nhật Bản
Phát biểu trong một buổi phỏng vấn, ông Koichi Hamada, cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe, tuyên bố “đồng yen yếu là yếu tố tích cực cho kinh tế Nhật Bản”.
“Điều kiện kinh tế ngày càng bất ổn nên các quan chức rất quyết liệt khi trao đổi về tỉ giá. Tuy nhiên chúng tôi ủng hộ việc đồng yen tiếp tục giảm giá”, ông Hideo Kumano - Trưởng ban nghiên cứu Kinh tế của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cựu viên chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - cho biết.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho rằng lạm phát đang mang lại nhiều lợi ích và kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng gia tăng là tín hiệu phục hồi cho nền kinh tế.
Tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari cũng cho rằng tỉ giá giảm sẽ giúp gia tăng tiêu dùng nhờ giá cả tài sản và lợi nhuận doanh nghiệp tăng.
Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 50% từ khi Thủ tướng Abe lên cầm quyền tháng 12-2012 và mang lại nhiều hi vọng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Tháng 7 vừa qua, Công ty Honda Motor cũng điều chỉnh dự báo lợi nhuận lên mức cao nhất trong 7 năm qua dựa vào doanh thu tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và sự mất giá của đồng yen.
Còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, đồng yen giảm giá cũng khiến Nhật Bản đối mặt với nhiều tổn thất, đặc biệt việc cán cân thương mại thâm hụt do nhu cầu nhập khẩu năng lượng gia tăng sau vụ nổ lò phản ứng nhà máy điện nguyên tử năm 2011.
Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn chưa gia tăng như kỳ vọng. Sản lượng xuất khẩu chỉ tăng được 1% từ tháng 9-2012 đến tháng 7 năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng (không tính thực phẩm tươi) của tháng 7 tăng 3,3% so với cùng kỳ, trong đó giá điện tăng 8,5%.
Sau khi loại trừ tác động của thuế, lạm phát cơ bản đạt 1.3%, thấp hơn mức kỳ vọng 2% của Thống đốc Kuroda.
Ông Robert Feldman, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của Công ty chứng khoán Morgan Stanley MUFG, nhận định kinh tế sẽ tiếp tục trì trệ do sự lệ thuộc quá lớn của GDP vào ngành xây dựng và việc tăng thuế đánh trên doanh thu lên 8%.
Đối diện với nguy cơ có năm tài chính tệ nhất kể từ khủng hoảng 2009, Ngân hàng Trung ương có thể sẽ mạnh dạn thực hiện nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cũng cho biết chính phủ mong muốn tỉ giá được điều chỉnh từng bước chứ không thay đổi quá đột ngột.
Ông Masaaki Kanno, Trưởng ban Kinh tế của JPMorgan Chase Nhật Bản, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương, cho rằng việc làm yếu đồng yen là cần thiết để Ngân hàng Trung ương đạt được mục tiêu lạm phát trong năm tới.
Một mức trượt giá khoảng 10% so với đồng USD sẽ giúp lạm phát tăng khoảng 0.5%.
“Việc đồng yen mất giá vẫn đem lại lợi ích cho nền kinh tế Nhật, mặc dù kết quả nhận được sẽ nhỏ hơn nhiều so với thời gian trước”, ông nói.
|
Đăng nhận xét