Từ trước tới nay, để đi xuất khẩu lao động, người lao động sẽ phải chi phí một khoản tiền không nhỏ. Ấy vậy mà chính sách miễn phí của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn Nghệ An lại chưa nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.
Đã 3 tháng trôi qua, kể từ khi Công ty cổ phần quốc tế Nhật Minh, chi nhánh tại Nghệ An (Namico) cùng đại diện huyện Đô Lương trực tiếp đến làm việc với người dân 2 xóm vạn chài xã Đặng Sơn để thông báo, tuyên truyền cho bà con đăng ký đi xuất khẩu lao động, nhưng đến nay Công ty này vẫn chưa tuyển dụng được lao động nào.
Theo thông báo, Công ty Namico sẽ tuyển dụng lao động đi làm việc tại Malaysia, Ảrập Xêút, Qatar, Đài Loan (Trung Quốc); thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng trở lên tùy theo tính chất công việc, thời hạn hợp đồng 2 năm, có thể gia hạn tùy vào nhu cầu của người lao động sử dụng và mong muốn của người lao động. Người lao động được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm và chăm sóc y tế, chi phí ăn ở. Điều đặc biệt, từ phí làm hộ chiếu, khám sức khỏe, đào tạo nghề, giáo dục định hướng và chi phí xuất cảnh của người lao động đều được miễn phí. Tức là người lao động không phải đóng bất kỳ một khoản phí nào, cũng không bị trừ khoản nào trong tiền lương khi làm việc tại các nước này. Toàn bộ chi phí này đều do Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chi trả.
Mặc dù đã có nhà tái định cư trên bờ hơn một năm nay, nhưng gia đình ông Ngô Văn Tuệ, xóm 6 xã Đặng Sơn cũng như hơn 100 hộ dân vạn chài khác vẫn ngày ngày bám thuyền để mưu sinh. Gia đình ông Tuệ có 6 người con, đều đang trong độ tuổi lao động, người thì đi làm thuê kiếm sống, người thì đánh bắt cá đắp đổi qua ngày. Khi được hỏi về chính sách miễn phí tuyển lao động đi xuất khẩu, ông Tuệ cũng như hai người con của ông đều không tỏ ra hào hứng, mặn mà. “Nghề của chúng tôi từ thời cha ông để lại là đánh bắt cá và đi cửu vạn. Hiện chúng tôi đã được Nhà nước cho lên bờ, song lại không có đất để trồng trọt, chăn nuôi. Bởi vậy, chúng tôi phải quay trở lại bám thuyền để mưu sinh. Còn việc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thực sự chưa hấp dẫn với người dân vạn chài như chúng tôi”, ông Tuệ bày tỏ.
Ông Trần Văn Hoa, xóm trưởng xóm 6 giãi bày: Người dân vạn chài chưa thích đi xuất khẩu lao động bởi họ chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc đi xuất khẩu lao động. Họ chỉ nhìn nhận được cái lợi trước mắt là sáng đi làm, chiều có tiền ngay để mua thức ăn, họ không thích đột phá, không thích đi xa mà chỉ quẩn quanh ở nhà làm các nghề phụ. Họ cũng chưa thích hợp với làm nông nghiệp mà chỉ thích buôn bán lâm sản, đi làm thuê như nấu ăn, cửu vạn…
Thực tế thời gian qua, trên địa bàn xã Đặng Sơn đã có gần 100 người đi xuất khẩu lao động, trong đó không ít người lao động đi theo con đường bất hợp pháp. Nguyên do, họ đã có người nhà ở các nước như Nga, Angola… bảo lãnh sang rồi ở lại làm ăn. Mới đây, đã có khoảng trên 30 lao động bất hợp pháp bị trả về nước. “Thị trường tuyển dụng lao động cũng chưa thực sự hấp dẫn người dân, đó cũng chính là một trong những nguyên do khiến họ chưa mặn mà đi xuất khẩu lao động”, ông Hoàng Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn trao đổi.
Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đô Lương, cho biết: Sở dĩ chúng tôi chọn hai xóm 6 và 7 của xã Đặng Sơn để thụ hưởng chính sách xuất khẩu lao động miễn phí cũng có lý do. Bởi đây là xóm vạn chài vừa thực hiện tái định cư lên bờ, họ chưa quen với nếp sống mới. Người dân vạn chài có 3 mong muốn: Đó là vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, Nhà nước cấp đất để phát triển chăn nuôi, trồng trọt và con em vạn chài được đào tạo nghề.
Song việc phân chia đất để bà con phát triển sản xuất là không thể bởi hiện nay xã đã không còn quỹ đất. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đô Lương cũng đang thực hiện cho các hộ dân vay vốn từ 8 đến 12 triệu đồng/hộ để phát triển sản xuất. Huyện Đô Lương cũng đã tiến hành mở lớp đào tạo nghề cho người dân vạn chài sau khi lên bờ, như nghề mây tre đan, làm mành, thêu, may, chăn nuôi gà thương phẩm… Tuy nhiên, sau khi kết thúc khóa học, tiếp thu kiến thức, người dân vạn chài cũng “bỏ đó”. Không có “bà đỡ” trong việc thu mua nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, người dân vạn chài cũng không thể làm các nghề thủ công và việc dần quên nghề mình đã học để trở về nếp sống cũ là điều hiển nhiên. Bởi vậy, cuộc sống của người dân vạn chài vẫn luẩn quẩn trong cái đói, cái nghèo.
Không chỉ khó tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động ở xóm vạn chai, xã Đặng Sơn, đây cũng là tình trạng chung ở các địa phương trong tỉnh Nghệ An, đặc biệt là các huyện nghèo. Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty Namico cho biết: “Việc đưa người lao động đi xuất khẩu lao động đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách ở vùng khó khăn theo Nghị định 71 của Chính phủ thực sự rất “hấp dẫn” song rất khó tuyển được người lao động. Mọi chi phí xuất khẩu đều đã được Nhà nước bảo trợ, với mức lương cơ bản từ 8-10 triệu đồng/người/tháng, người lao động có thể gửi về cho gia đình xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng qua tiếp xúc với người dân, tôi thấy tư tưởng, nhận thức của họ chưa cao. Đời sống của người dân còn nghèo, trình độ, tay nghề lại chưa có trong khi đó họ lại đòi hỏi đi xuất khẩu lao động ở các nước có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản. Thực tế, ở những nước này lại đòi hỏi người lao động có trình độ, tay nghề cao, biết ngoại ngữ và ở những thị trường này người lao động phải đóng mọi khoản phí mới có thể đi thành công. Điều này, Công ty lại không đáp ứng được”.
Với số lượng tuyển dụng không hạn chế, năm 2013, Công ty đã tư vấn và tuyển dụng được gần 100 lao động ở hai huyện Kỳ Sơn và Thanh Chương, song để đi xuất khẩu lao động thành công sang Malaysia chỉ vẻn vẹn được 20 người. Năm 2014, tình trạng này lại khó khăn hơn, Công ty đã mời đại diện nhà tuyển dụng phối hợp với chính quyền địa phương các huyện Quỳ Châu, Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu về tận xã tổ chức tuyên truyền, tư vấn các chủ trương, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người dân, đến đầu tháng 6/2014 cũng chỉ tuyển dụng được 2 lao động ở xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành đi làm việc ở thị trường Ảrập Xêút.
Ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện, đủ cơ sở pháp lý được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép, giới thiệu về địa bàn để tuyển dụng người lao động đi nước ngoài làm việc. Để khắc phục tình trạng khó tuyển dụng người lao động đi xuất khẩu (miễn phí đối với đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách), chính quyền địa phương phải vào cuộc, tích cực tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu chính sách ưu đãi này. Đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách thì đi xuất khẩu lao động miễn phí chính là cơ hội để người dân thoát nghèo bền vững. Bởi vậy, tư duy, nhận thức của người dân cũng phải thay đổi, muốn làm giàu phải có tính đột phá, chịu khó đi xa, thay đổi môi trường làm việc.
Để tránh tình trạng “bị lừa”, người lao động nên tiếp cận với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm giới thiệu việc làm, chính quyền xã để giới thiệu, tuyệt đối không qua khâu trung gian, kể cả đi xuất khẩu lao động lẫn học nghề...
Đăng nhận xét